Giới thiệu Thương Mại Điện Tử

Thương mại điện tử (E-Commerce) là hình thái hoạt động kinh doanh bằng các phương pháp điện tử; là việc trao đổi “thông tin” kinh doanh thông qua các phương tiện công nghệ điện tử. 

1. Khái niệm Thương mại điện tử

Công nghệ tiên tiến hiện nay giúp doanh nghiệp biến Website của mình thành những siêu thị hàng hóa trên Internet, biến người mua thực sự trở thành những người chủ với toàn quyền trong việc chọn lựa sản phẩm, tìm kiếm thông tin, so sánh giá cả, đặt mua hàng, ký kết hợp đồng với hệ thống tính toán tiền tự động, rõ ràng, trung thực.

Thương mại điện tử (E-Commerce) là hình thái hoạt động kinh doanh bằng các phương pháp điện tử; là việc trao đổi “thông tin” kinh doanh thông qua các phương tiện công nghệ điện tử.

Hiện nay có rất nhiều cách hiểu khác nhau về Thương mại điện tử. Nhiều người hiểu Thương mại điện tử là bán hàng trên mạng, trên Internet. Một số ý kiến khác lại cho rằng Thương mại điện tử là làm thương mại bằng điện tử. Những cách hiểu này đều đúng theo một góc độ nào đó nhưng chưa nói lên được phạm vi rộng lớn củaThương mại điện tử.

Theo khái niệm này, Thương mại điện tử không chỉ là bán hàng trên mạng hay bán hàng trên Internet mà là hình thái hoạt động kinh doanh bằng các phương pháp điện tử. Hoạt động kinh doanh bao gồm tất cả các hoạt động trong kinh doanh như giao dịch, mua bán, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo và kể cả giao hàng. Các phương pháp điện tử ở đây không chỉ có Internet mà bao gồm việc sử dụng các phương tiện công nghệ điện tử như điện thoại, máy FAX, truyền hình và mạng máy tính (trong đó có Internet). Thương mại điện tử cũng bao hàm cả việc trao đổi thông tin kinh doanh thông qua các phương tiện công nghệ điện tử. Thông tin ở đây không chỉ là những số liệu hay văn bản, tin tức mà nó gồm cả hình ảnh, âm thanh và phim video.

Các phương tiện điện tử trong Thương mại điện tử

+ Điện thoại

+ Máy FAX

+ Truyền hình

+ Hệ thống thanh toán điện tử

+ Intranet / Extranet

Mạng toàn cầu Internet / World Wide Web

Các hình thức hoạt động Thương mại điện tử

+ Thư tín điện tử (E-mail)

+ Thanh toán điện tử

+ Trao đổi dữ liệu điện tử (EDI)

+ Trao đổi số hoá các dung liệu

+ Mua bán hàng hoá hữu hình

Thương mại điện tử hiện nay đã trở nên khá quen thuộc và trở thành một môi trường thương mại không thể thiếu được trong đời sống kinh tế xã hội phát triển. Ở Việt Nam, Thương mại điện tử đang được các doanh nghiệp từng bước áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Thương mại điện tử có những thế mạnh vượt trội mà không một loại hình kinh doành nào khác có được.

2. Các ưu điểm của Website Thương mại điện tử

Ưu điểm tuyệt đối của Thương mại Điện tử là cho phép người sử dụng thực hiện các hoạt động kinh doanh ngay lập tức trên quy mô toàn cầu, từ việc quảng cáo công ty, tiếp thị sản phẩm, đàm phán và đặt hàng cho đến các khâu thanh toán, giữ liên hệ với khách hàng và hỗ trợ sau bán hàng. Bởi vì:

2.1. Thương mại điện tử giúp người bán

•Tiếp thị hiệu quả sản phẩm và dịch vụ của mình ra khắp thế giới

•Tạo kênh bán hàng trực tiếp tới khách hàng với quy mô rộng, tốc độ nhanh và chi phí giảm rất nhiều so với các kênh bán hàng truyền thống khác

•Mở ra khả năng xuất khẩu hàng ra nước ngoài

•Đơn giản hóa được các thủ tục hành chính, các công việc giấy tờ, tăng hiệu quả giao dịch thương mại

•Với Website Thương mại điện tử, doanh nghiệp tạo cho mình khả năng kinh doanh liên tục 24/24 giờ, liên tục 07 ngày trong tuần với chi phí rất thấp. Không cần nhân viên giám sát khách hàng như tại các siêu thị bình thường, không cần bỏ tiền thuê địa điểm bán hàng, không cần hệ thống kiểm tra, giới thiệu sản phẩm, không cần hệ thống tính tiền,… Tất cả đều được Website làm tự động, rất nhanh chóng và với độ chính xác tuyệt đối.

•Tại cùng 1 thời điểm, Website Thương mại điện tử có thể phục vụ hàng triệu lượt người mua hàng ở khắp nơi trên thế giới với các yêu cầu rất khác nhau về thông tin sản phẩm, chủng loại sản phẩm, giá cả, hình ảnh, chất lượng, mẫu mã,…

•Thông tin, giá cả sản phẩm được cập nhật, thay đổi một cách tức thời theo sự biến động của thị trường.

Website Thương mại Điện tử đem lại khả năng kinh doanh mới cho doanh nghiệp: “Kinh doanh ngay cả khi bạn đang ngủ”.

2.2. Thương mại điện tử giúp người mua

•Có thêm một hình thức mua hàng thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng

•Có thêm một hình thức thanh toán mới tiện lợi, an toàn

•Mở rộng sự chọn lựa khi mua hàng theo thị hiếu và nhu cầu

•Có cơ hội mua sản phẩm và dịch vụ trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp chính không qua trung gian

Người mua thực sự trở thành người chủ với toàn quyền lựa chọn sản phẩm, tìm kiếm bất kỳ thông tin nào về sản phẩm theo nhu cầu, so sánh giá cả, đặt mua hàng với hệ thống tính toán tiền tự động, đầy đủ, rõ ràng, trung thực và chính xác nhất.

3. Các loại hình Thương mại điện tử

Căn cứ vào tính chất của thị trường khách hàng, người ta tách Thương mại điện tử ra làm 2 loại hình:

B2B (Business – To – Business): Thuơng mại điện tử B2B là chỉ bao gồm các giao dịch thương mại trên Internet mà trong đó, đối tượng khách hàng của loại hình này là các doanh nghiệp mua hàng.

B2C (Business – To – Customer): Thương mại điện tử B2C là chỉ bao gồm các giao dịch thương mại trên Internet giữa doanh nghiệp với khách hàng, mà trong đó, đối tượng khách hàng của loại hình này là các cá nhân mua hàng. Loại hình này áp dụng cho bất kỳ doanh nghiệp hay tổ chức nào bán các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ cho khách hàng qua Internet, phục vụ cho nhu cầu sử dụng của cá nhân.

Vậy điểm khác biệt giữa Thương mại điện tử B2B và B2C là gì?

Điều thứ nhất là sự khác nhau về khách hàng

Khách hàng của các giao dịch B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) là các công ty còn khách hàng của B2C là các cá nhân. Xét về tổng thể, các giao dịch B2B phức tạp hơn và đòi hỏi tính an toàn cao hơn. Ngoài ra, có 2 sự khác biệt lớn nữa:

Khác biệt về đàm phán, giao dịch:

Việc bán hàng cho các doanh nghiệp (B2B) phải bao gồm cả các yếu tố như đàm phán về giá cả, việc giao nhận hàng và xác định quy cách, các đặc tính kỹ thuật của sản phẩm. Bán hàng cho người tiêu dùng (B2C) không nhất thiết phải bao gồm tất cả các yếu tố như vậy. Điều này khiến cho các nhà bán lẻ dễ dàng hơn trong việc đưa lên mạng catalog sản phẩm dịch vụ của họ để mở một siêu thị trực tuyến. Đó cũng chính là lý do tại sao những ứng dụng Thương mại điện tử B2B đầu tiên được phát triển chỉ cho những hàng hóa và sản phẩm hoàn chỉnh, đơn giản trong khâu mô tả đặc tính và định giá.

Khác biệt về vấn đề tích hợp:

Các công ty trong Thương mại điện tử B2C không phải tích hợp hệ thống của họ với hệ thống của khách hàng. Trái lại các công ty khi bán hàng cho các doanh nghiệp (B2B) cần phải đảm bảo rằng các hệ thống của họ có thể giao tiếp được với nhau mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người dẫn đến nhu cầu phải tích hợp hệ thống của doanh nghiệp bán hàng và doanh nghiệp mua hàng.

4. Tầm quan trọng của Thương mại điện tử

Nhờ vào sự phát triển của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là sự phát triển của tin học đã tạo điều kiện cho mọi người có thể giao tiếp với nhau một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn thông qua các dịch vụ Internet. Vì là một môi trường truyền thông rộng khắp thế giới nên thông tin có thể giới thiệu tới từng thành viên một cách nhanh chóng và thuận lợi. Chính vì vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho Thương mại điện tử thông qua Internet. VàThương mại điện tử nhanh chóng trở nên phổ biến trên thế giới trở thành một công cụ rất mạnh mẽ để bán hàng và quảng cáo hàng hoá của các nhà cung cấp. Đối với khách hàng, có thể có thể lựa chọn, so sánh hàng hoá phù hợp cả về loại hàng hoá, dịch vụ giá cả, chất lượng và phương thức giao hàng cho khách hàng.

Có rất nhiều ý kiến cho rằng Thương mại điện tử là sự thay đổi lớn nhất trong kinh doanh kể từ sau cuộc cách mạng công nghiệp.

Thương mại điện tử không chỉ mở ra những cơ hội kinh doanh mới, những sản phẩm và dịch vụ mới, những ngành nghề kinh doanh mới mà bản thân nó thực sự là một phương thức kinh doanh mới: Phương thức kinh doanh điện tử. Thương mại điện tử chuyển hoá các chức năng kinh doanh, từ nghiên cứu thị trường và sản xuất sản phẩm đến bán hàng, dịch vụ sau bán hàng từ phương thức kinh doanh truyền thống đến phương thức kinh doanh điện tử.

Theo Andrew Grove – Intel thì trong vòng năm năm, tất cả các công ty sẽ trở thành công ty Internet, hoặc sẽ không là gì cả. Tuy câu nói này có phần phóng đại nhưng nó phản ánh về cơ bản tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của Thương mại điện tử đến kinh doanh trong thời đại hiện nay.

5. Cơ sở của Thương mại điện tử

Song song với những lợi ích to lớn có thể mang lại, Thương mại điện tử đòi hỏi một cơ sở hạ tầng đa dạng, vững chắc bao gồm các mặt:

• Pháp lý: thừa nhận tính pháp lý của các thông điệp điện tử, các chữ ký số hóa và chữ ký điện tử,các thủ tục pháp lý cần thiết để thực thi sự thừa nhận đó.

• Công nghệ: máy tính, truyền thông và bảo mật.

• Giáo dục: kỹ năng cho các chuyên gia và cho đông đảo dân chúng.

• Công nghiệp: tiêu chuẩn hóa, thanh toán tự động…

• Xã hội: bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng

• Văn hóa: thay đổi tập quán, lối sống, bảo vệ các đặc trưng văn hóa dân tộc, chống ảnh hưởng tiêu cực của các dữ liệu không mong muốn.

Không có một hạ tầng như vậy thì mọi lợi ích có được nhờ Thương mại điện tử chỉ là thứ hình dung ra, trong khi tổn thất lại có thể phát sinh. Hạ tầng cơ sở cho Thương mại điện tử là một tổng hòa nhiều yếu tố đan xen vào nhau mà không thể xử lý riêng rẽ từng thứ một. Cho nên có thể hiểu được vì sao các nước đang phát triển dù bị thúc ép bởi nhiều yếu tố- trong đó có yếu tố sợ bị tụt hậu- vẫn tránh né chưa lao ngay vào Thương mại điện tử, vì hạ tầng cơ sở cần thiết ở các nước này chưa được hình thành đầy đủ.

6. Các đặc trưng của Thương mại điện tử

Thương mại điện tử có một số điểm khác biệt cơ bản so với thương mại truyền thống: Các bên tiến hành giao dịch trong Thương mại điện tử không tiếp xúc trực tiếp với nhau và không đòi hỏi phải biết nhau từ trước, Thương mại điện tử được thực hiện trong một thị trường không có biên giới, có một bên không thể thiếu được là người cung cấp dịch vụ chứng thực, mạng lưới thông tin chính là thị trường…

So với các hoạt động Thương mại truyền thống, Thương mại điện tử có một số điểm khác biệt cơ bản sau:

6.1. Các bên tiến hành giao dịch trong Thương mại điện tử không tiếp xúc trực tiếp với nhau và không đòi hỏi phải biết nhau từ trước.

Trong Thương mại truyền thống, các bên thương gặp gỡ nhau trực tiếp để tiến hành giao dịch. Các giao dịch được thực hiện chủ yếu theo nguyên tắc vât lý như chuyển tiền, séc hóa đơn, vận đơn, gửi báo cáo. Các phương tiện viễn thông như: fax, telex, .. chỉ được sử dụng để trao đổi số liệu kinh doanh. Tuy nhiên, việc sử dụng các phương tiện điện tử trong thương mại truyền thống chỉ để chuyển tải thông tin một cách trực tiếp giữa hai đối tác của cùng một giao dịch. Từ khi xuất hiện mạng máy tính mở toàn cầu Internet thì việc trao đổi thông tin không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa các công ty và doanh nghiệp mà các hoạt động thương mại đa dạng đã mở rộng nhanh chóng trên phạm vi toàn thế giới với số lượng người tham gia ngày càng tăng. Những người tham gia là cá nhân hoặc doanh nghiệp, có thể đã biết, hoặc hoàn toàn chưa biết bao giờ.
Trong nền kinh tế số, thông tin được số hóa thành các byte, lưu giữ trong các máy vi tính và truyền qua mạng với tốc độ ánh sáng. Điều này tạo ra những khả năng hoàn toàn mới làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua bán của con người mà trong đó, người bán (mua) hàng có thể giao dịch với đối tác ở bất kỳ đâu trên thế giới mà không cần qua khâu trung gian hỗ trợ của bất kỳ công ty thương mại nào.Thương mại điện tử cho phép mọi người cùng tham gia từ các vùng xa xôi hẻo lánh đến các khu vực đô thị lớn, tạo điều kiện cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi đều có cơ hội ngang nhau tham gia vào thị trường giao dịch toàn cầu và không đòi hỏi nhất thiết phải có mối quen biết với nhau.

6.2. Các giao dịch thương mại truyền thống được thực hiện với sự tồn tại của khái niệm biên giới quốc gia, còn Thương mại điện tử được thực hiện trong một thị trường không có biên giới (thị trường thống nhất toàn cầu). Thương mại điện tử trực tiếp tác động tới môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Thương mại điện tử càng phát triển, thì máy tính cá nhân trở thành cửa sổ cho doanh nghiệp hướng ra thị trường trên khắp thế giới. Không chỉ các công ty hàng đầu thế giới mới có thể tiếp cận những thị trường mới, mà ngay cả một công ty vừa mới khởi sự cũng có một mạng lưới tiêu thụ và phân phối không biên giới ngay đầu ngón tay của mình. Với Thương mại điện tử, một doanh nhân dù mới thành lập đã hoàn toàn có thể kinh doanh ở Nhật Bản, Đức và Chilê …, mà không hề phải bước ra khỏi nhà, một công việc trước kia phải mất nhiều năm.

Sang thế kỷ XXI, bất cứ người dân nào – dù là người tiêu dùng, các nhà kinh doanh nhỏ, hay chủ tịch công ty lớn – đều sẽ có thể mở rộng công việc giao dịch của mình tới những nơi xa xôi nhất của hành tinh. Toàn cầu hóa, tự do hóa mậu dịch và phát triển là con đường nhanh chóng đưa các quốc gia và các doanh nghiệp thay đổi theo hướng cạnh tranh quốc tế trên phạm vi toàn cầu, kể cả việc giành lấy các thị trường nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác thương mại.

6.3. Trong hoạt động giao dịch Thương mại điện tử đều có sự tham ra của ít nhất ba chủ thể, trong đó có một bên không thể thiếu được là người cung cấp dịch vụ mạng, các cơ quan chứng thực

Trong Thương mại điện tử, ngoài các chủ thể tham gia quan hệ giao dịch giống như giao dịch thương mại truyền thống đã xuất hiện một bên thứ ba đó là nhà cung cấp dịch vụ mạng, các cơ quan chứng thực… là những người tạo môi trường cho các giao dịch Thương mại điện tử. Nhà cung cấp dịch vụ mạng và cơ quan chứng thực có nhiệm vụ chuyển đi, lưu giữ các thông tin giữa các bên tham gia giao dịch Thương mại điện tử, đồng thời họ cũng xác nhận độ tin cậy của các thông tin trong giao dịch Thương mại điện tử.

6.4. Đối với thương mại truyền thống thì mạng lưới thông tin chỉ là phương tiện để trao đổi dữ liệu, còn đối với Thương mại điện tử thì mạng lưới thông tin chính là thị trường

Thông qua Thương mại điện tử, nhiều loại hình kinh doanh mới được hình thành. Ví dụ: các dịch vụ gia tăng giá trị trên mạng máy tính hình thành nên các trung gian ảo làm các dịch vụ môi giới, trọng tài cho giới kinh doanh và tiêu dùng; các siêu thị ảo được hình thành để cung cấp hàng hóa và dịch vụ trên mạng máy tính.

Theo một số chuyên gia về kinh doanh trên mạng, chính những tính năng dễ sử dụng và hình thức vui mắt, dễ hiểu của các trang Web dành cho Thương mại điện tử là những yếu tố quyết định trong việc thu hút khách hàng.

Các trang Web khá nổi tiếng như Yahoo! America Online hay Alta Vista…, đóng vai trò như các trang Web gốc khác với vô số thông tin. Các trang Web này đã trở thành các “khu chợ” khổng lồ trên Internet. Với mỗi lần nhấn chuột, khách hàng có khả năng truy cập vào hàng ngàn cửa hàng ảo khác nhau và tỷ lệ khách hàng vào thăm rồi mua hàng là rất cao.